Trích yếu luận án của NCS Trương Anh Tuấn
1. TÓM TẮT MỞ ĐẦU:
– Họ và tên NCS: TRƯƠNG ANH TUẤN
– Tên luận án: “Nghiên cứu bệnh Sacbrood trên ong nội (Apis cerena), ong ngoại (Apis mellifera) ở miền Bắc Việt Nam và biện pháp phòng chống”.
– Chuyên ngành: Vi sinh vật học Thú y Mã số: 62 62 50 10
– Người hướng dẫn: PGS.TS.Phùng Quốc Chướng
TS. Lê Quang Trung
– Tên cơ sở đào tạo: Viện Thú y Quốc gia
2. NỘI DUNG BẢN TRÍCH YẾU
2.1. Mục đích và đối tượng nghiên cứu của luận án
Nghiên cứu nhằm đánh giá tình hình bệnh Sacbrood ký sinh trên ong nội (Apis cerana) và ong ngoại (Apis mellifera) đang nuôi và khai thác ở Miền Bắc Việt Nam, xác định tác nhân gây bệnh và đưa ra được một số biện pháp phòng, chống bệnh đạt hiệu quả cao.
2.2. Các phương pháp nghiên cứu:
Những phương pháp chủ yếu đã được sử dụng:
Đánh giá tỷ lệ đàn bệnh Sacbrood trên ong nội ở Hòa Bình, Hà Nội, Hưng Yên và trên ong ngoại ở Sơn La, Điện Biên theo các phương pháp điều tra và phân tích thống kê. Xác định chủng loại vi rút gây bệnh Sacbrood trên đàn ong của 2 loài sử dụng kỹ thuât RT-PCR kết hợp với cắt sản phẩm PCR bằng enzyme hạn chế (PCR/RFLP). Các phương pháp thường qui được áp dụng để tách chiết ribonuclease (RNAse) và để phòng chống bệnh Sacbrood trên ong A. mellifera theo các biện pháp sinh học, sử dụng RNAse và biện pháp tổng hợp phòng chống bệnh. Biện pháp hiệu quả nhất được áp dụng để phòng chống bệnh Sacbrood trên ong A. cerana.
2.3. Các kết quả chính và kết luận:
– Cả 2 loài ong đều có tỷ lệ bệnh Sacbrood tăng cao vào vụ Xuân và Thu – Đông . Tỷ lệ bệnh Sacbrood tương quan nghịch với nhiệt độ và lượng mưa. Qui mô đàn không ảnh hưởng đến tỷ lệ bệnh Sacbrood. Phương thức nuôi cố định có tỷ lệ bệnh cao hơn so với nuôi ong di chuyển.
– Tác nhân gây bệnh Sacbrood trên ong ngoại nuôi tại Miền Bắc do chủng AmSBV và trên ong nội thuộc chủng AcCSBV. Sản phẩm RT-PCR/RFLP 335bp của AmSBV và 124bp và 211bp của AcCSBV là các chỉ thị phân tử để phân biệt 2 chủng vi rút này.
– Sử dụng chế phẩm RNAse phun 3 lần (5ml/cầu dung dịch enzyme: nước đường tỷ lệ 1/9), cách nhau 4 ngày hoặc cho ong ăn dung dịch enzyme: nước đường (tỷ lệ 1/100; liều 100ml/cầu) cách nhau 4 ngày cho hiệu quả chống bệnh cao nhất sau 90 ngày điều trị.
Ý nghĩa khoa học:
Kết quả nghiên cứu của đề tài bổ sung tư liệu khoa học cho các nghiên cứu về bệnh ong ở Việt Nam, làm tài liệu tham khảo cho người nghiên cứu, giảng dạy và chăn nuôi ong.
Ý nghĩa thực tiễn:
Kết quả thu được của đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao: 1) cung cấp thông tin về dịch tễ làm cơ sở để dự tính dự báo về bệnh Sacbrood trên ong nội (Apis cerena) và ong ngoại (Apis mellifera) ở miền Bắc Việt Nam; 2) đưa ra biện pháp chẩn đoán chính xác bệnh Sacbrood; 3) đưa ra qui trình phòng chống có hiệu quả ứng dụng biện pháp sinh học và chế phẩm enzyme, không sử dụng thuốc thú y. Từ đó có thể giảm thiểu các chất tồn dư trong sản phẩm ong và nâng cao an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Kết quả của đề tài góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội để phát triển nghề nuôi ong bền vững ở nước ta..
Hà Nội, ngày tháng 12 năm 2014
Nghiên cứu sinh | Người hướng dẫn I | Người hướng dẫn II |
Trương Anh Tuấn | PGS.TS.Phùng Quốc Chướng | TS. Lê Quang Trung |
ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Lần đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống về bệnh Sacbrood trên cả ong nội (Apis cerana) và ong ngoại (Apis mellifera) đang nuôi ở Miền Bắc Việt Nam, ứng dụng chẩn đoán bệnh bằng chỉ thị phân tử và sử dụng biện pháp sinh học kết hợp với chế phẩm ribonucleaza trong việc phòng và chống bệnh Sacbrood.