Đóng

Đào tạo

Trích yếu luận án của NCS Đỗ Hữu Dũng

1. Tóm tắt mở đầu

– Tên tác giả: Đỗ Hữu Dũng.

– Tên luận án: Nghiên cứu dịch tễ học Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS) tại Việt Nam giai đoạn 2007-2013.

* Chuyên ngành: Dịch tễ học Thú y – Mã số: 62. 64. 01. 08.

– Tên cơ sở đào tạo: Viện Thú y.

2. Nội dung trích yếu

2.1 Vấn đề nghiên cứu

Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) là một trong số những bệnh quan trọng nhất trong chăn nuôi lợn trên thế giới. Vi rút PRRS là RNA vi rút thay đổi nhanh. Tại Việt Nam, kể từ đợt dịch đầu tiên năm 2007 đến nay, các đợt dịch đã gây tổn thất nghiệm trọng cho ngành chăn nuôi lợn.

Tại Việt Nam, những nghiên cứu về PRRS hiện chỉ tập trung vào việc xác định đặc tính sinh học phân tử, độc lực và khả năng gây bệnh của vi rút, chẩn đoán phát hiện và vắc xin phòng bệnh; về dịch tễ, bước đầu đã có một số công bố mô tả dịch ở một địa phương. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phân tích tổng thể căn bệnh (đến năm 2013) và đặc điểm dịch tễ trên cả nước (với số liệu từ 2007-2012), cung cấp những thông tin về quy luật lưu hành, đặc tính của chủng và biến chủng và tính phù hợp với vắc xin phòng bệnh.

2.2 Mục đích và đối tượng nghiên cứu của luận án

Mục tiêu nghiên cứu: Làm sáng tỏ các quy luật dịch tễ về căn bệnh, nguồn bệnh và nguy cơ phát bệnh và lây lan, cung cấp cơ sở khoa học nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch PRRS ở nước ta, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Đối tượng nghiên cứu: (i) Vi rút PRRS phân lập từ lợn bệnh tại Việt Nam; (ii) Đặc điểm dịch tễ học chủ yếu của dịch PRRS ở lợn.

2.3 Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng

Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng gồm các phương pháp nghiên cứu dịch tễ học truyền thống và hiện đại, liên quan đến phân tích gene, phả hệ và di truyền, phân tích các thông số dịch tễ học mô tả, dịch tễ học không gian-thời gian và dịch tễ học phân tử; phân tích yếu tố nguy cơ, thử thách cường độc.

2.4 Các kết quả chính và kết luận

Đã xác định được nguồn gốc, đặc điểm di truyền của các chủng và biến chủng vi rút PRRS lưu hành ở Việt Nam: Nhóm 1ab, nhóm 2ab có nguồn gốc ngoại sinh, có quan hệ họ hàng gần với các chủng vi rút ở Trung Quốc; Nhóm 2c là biến chủng nội sinh; xuất hiện trùng khớp với 3 đợt dịch lớn vào các năm 2007-2008, năm 2010 và năm 2012-2013. Vi rút gây dịch PRRS trên toàn lãnh thổ Việt Nam thuộc nhóm PRRSV Type II (Bắc Mỹ), sublinage 8.7; hiện chưa phát hiện bệnh do vi rút PRRS Type I. Những vi rút này có cùng tổ tiên với các vi rút ở Trung Quốc, phát sinh vào khoảng năm 2005. Vi rút có tần số đột biến cao (7,09 x 10-3 đột biến/điểm/năm).

Đã xác định được tính chất dịch của PRRS tại Việt phân tích dữ liệu về dịch tễ học mô tả, không gian-thời gian: PRRS tồn tại dạng dịch địa phương, phân bố xen kẽ trại có và không mang vi rút, phát thành dịch lớn theo chu kỳ 2-3 năm, không có tính mùa vụ. Điểm nóng phát dịch di chuyển theo không gian và thời gian, vùng có nguy cơ cao nằm gần trục đường lộ chính, nuôi trên 200 lợn/trại với nguồn nhân công thuê; nguy cơ dịch bùng phát khi có chỉ số lây lan ước tính > 1 và có sự xuất hiện chùm ca bệnh.

Phân tích dịch tễ học can thiệp cũng tái xác nhận vắc xin là một trong những công cụ can thiệp phòng bệnh (vắc xin vô hoạt) và dập dịch (vắc xin nhược độc), đồng thời đề tài cũng khởi động việc chế tạo vắc xin vô hoạt từ phân lập tại Việt Nam (tính phù hợp chủng).

Ý nghĩa khoa học:

Đây là công trình phân tích một cách tổng thể đầu tiên về dịch tễ học của PRRS ở Việt Nam bao gồm dịch tễ học mô tả về tình trạng của dịch PRRS ở nước ta trong 6 năm vừa qua, phát hiện nguồn vi rút, các quy luật, yếu tố nguy cơ, đánh giá và phát triển công cụ can thiệp dịch, bổ sung những cơ sở khoa học cho công tác phòng chống dịch.

Dịch PRRS phân bố trên diện rộng, xen kẽ giữa trại phơi nhiễm và không phơi nhiễm; nguồn gốc căn bệnh của các đợt dịch lớn bao gồm những vi rút PRRS có cùng tổ tiên với chủng độc lực cao ở Trung Quốc và nguồn nội sinh là những biến chủng của chúng sau khi đã xâm nhập và lưu cữu trong nước; mỗi khi gây dịch cũng đều song song tồn tại một cách xen kẽ làm cho bức tranh dịch tễ trở nên phức tạp.

Nguy cơ bùng phát dịch tùy thuộc vào ổ dịch tiên phát, đến thời điểm hiện tại, chúng có thể xuất hiện ở bất cứ địa phương nào. Yếu tố nguy cơ cao bao gồm vị trí trại gần đường lộ chính, trại có quy mô trên 200 lợn và trại có thuê người chăn nuôi; ước đoán dịch bùng phát khi chỉ số lây lan > 1 và có sự xuất hiện của chùm ca bệnh. Giải pháp vắc xin là hiệu quả nhưng cần có sự phù hợp chủng với vi rút đang lưu hành cùng khu vực.

Ý nghĩa thực tiễn:

(i) Những thông tin mà đề tài thu được cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định, điều chỉnh hoặc bổ sung giải pháp phòng chống PRRS;

(ii) Thành công sử dụng phương pháp phân tích dịch tễ học đối với PRRS có thể áp dụng cho các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác;

(iii) Kết quả nghiên cứu có thể sử dụng làm tài liệu giảng dạy ở trường đại học và tập huấn chuyên ngành.

Đóng góp mới của luận án:

Kết quả của đề tài có 3 đóng góp mới:

(i) Đã mô tả lần đầu tiên khái quát và có hệ thống bức tranh tổng thể của dịch PRRS tại Việt Nam;

(ii) Đã giải trình tự một lượng lớn gene, xác định được sự đa dạng di truyền của vi rút PRRS tại Việt Nam, xác định được 3 biến chủng phổ biến và motif đồng tồn tại và lưu hành;

(iii)  Đã sử dụng thành công phương pháp và công cụ phân tích dịch tễ học để mô tả tổng thể tình hình một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chỉ ra những khâu then chốt cần theo dõi giám sát dịch tễ học trong tương lai. Lần đầu tiên sử dụng phương pháp dịch tễ học can thiệp ở nước ta đánh giá hiệu quả can thiệp vắc xin phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống dich PRRS nói riêng và nói chung với các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Thầy hướng dẫn

Nghiên cứu sinh

16/06/2017