Thông tin về luận án của NCS Võ Thành Thìn
Đề tài: Nghiên cứu tình hình nhiễm giun sán ở gà nuôi tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và đề xuất biện pháp phòng trị
Chuyên ngành: Ký sinh trùng Thú y
Mã số: 62 62 50 05
Họ và tên NCS: Nguyễn Nhân Lừng
Họ và tên giáo viên hướng dẫn:
1. PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Lan
2. TS. Lê Ngọc Mỹ
Cơ sở đào tạo: Viện Thú y
Tóm tắt những kết luận mới của luận án:
1. Phát hiện 29 loài giun sán ký sinh ở gà nuôi tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang (trong tổng số 65 loài giun sán ký sinh ở gà Việt Nam); trong đó có 7 loài sán lá, 7 loài sán dây và 15 loài giun tròn.
– Các loài giun sán gây bệnh chủ yếu ở gà nuôi tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang là: Echinostoma revolutum, Echinostoma miyagawai, Echinoparyphium recurvatum, Prosthogonimus cuneatus (sán lá); Raillietina echinobothrida, Raillietina tetragona; (sán dây); Ascaridia galli, Heterakis beramporia, Heterakis gaillinarum, Capillaria obsignata, Tetrameres fissispina, Oxyspyrura mansoni (giun tròn).
2. Tỉ lệ, cường độ nhiễm giun sán tăng theo tuổi gà, thấp nhất ở gà < 2 tháng tuổi (71,11% và 3,73 giun sán/gà); cao nhất ở gà > 6 tháng (98,89% và 45,16 giun sán/gà). Tỉ lệ, cường độ nhiễm giun sán ở gà 2 – 4 tháng tăng đột biến so với gà < 2 tháng tuổi.
– Tỉ lệ, cường độ nhiễm giun sán ở gà vụ Hè – Thu (94,86% và 37,42 giun sán/gà) cao hơn rõ rệt vụ Đông – Xuân (86,53% và 28,87 giun sán/gà).
– Ở cả 3 vùng sinh thái (đồng bằng, trung du và miền núi), gà có tỉ lệ và cường độ nhiễm giun tròn cao nhất ( 86,59% và 19,32 giun/gà); sau đó đến sán dây (71,14% và 15,44 sán/gà); thấp nhất là sán lá (31,94% và 7,88 sán/gà).
– Tỉ lệ và cường độ nhiễm giun sán ở gà thả vườn cao nhất (90,69% và 33,34 giun sán/gà), tiếp đến gà công nghiệp sinh sản nuôi nền (77,92% và 7,77 giun sán/gà) và gà nuôi bán công nghiệp (42,50% và 6,06 giun sán/gà). Gà công nghiệp nuôi thịt và gà công nghiệp sinh sản nuôi lồng nhiễm giun sán không đáng kể.
3. Tỉ lệ và cường độ nhiễm trứng giun sán ở nền chuồng gà khá cao (60,56% và 18,44 trứng/g mẫu). Đất sân vườn thả gà nhiễm thấp (14,17% và 3,04 trứng/g mẫu).
4. Gà mắc bệnh giun sán thường có các biểu hiện: Còi cọc, gầy yếu, Da, lông khô và xơ, thiếu máu, tiêu chảy kéo dài, ăn uống kém, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Gà nhiễm sán lá đường sinh dục gây rối loạn sinh sản, bệnh nặng gà có thể chết.
5. Thuốc Albendazole tẩy giun tròn tốt hơn Ivermectin và Levamisole.
Kết hợp Praziquantel với Albendazole có tác dụng tẩy cả sán lá, sán dây và giun tròn tốt hơn dùng riêng từng loại thuốc.
6. Gà thả vườn và gà công nghiệp sinh sản nuôi nền tẩy giun sán lần đầu khi được 2 – 3 tháng tuổi, sau đó cứ 4 tháng (vụ Hè – Thu); 5 tháng (vụ Đông – Xuân) tẩy nhắc lại một lần.
– Gà nuôi bán công nghiệp, tẩy 1 lần duy nhất khi được 60 – 65 ngày tuổi.
– Gà công nghiệp nuôi thịt và gà sinh sản nuôi lồng không cần tẩy giun sán.