Thông tin về luận án của NCS Đỗ Văn Khiên
THÔNG TIN VỀ LUẬN ÁN
Đề tài luận án: “Nghiên cứu một số đặc tính sinh học của vi rút đậu dê phân lập được ở Nam Trung Bộ“
Chuyên ngành: Vi sinh vật học thú y Mã số: 62 62 50 10
Họ và tên nghiên cứu sinh: Đỗ Văn Khiên
Họ và tên người hướng dẫn:
1. TS. Phạm Hùng
2. PGS.TS. Lê Thanh Hòa
Cơ sở đào tạo: Viện Thú y
Tóm tắt những kết luận mới của luận án:
1. Đề tài đã phân lập thành công được 7 chủng vi rút đậu dê từ 7 ổ dịch độc lập tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Phú Yên thuộc Nam Trung bộ, cả 7 chủng vi rút phân lập đều thuộc về một loài vi rút đậu dê (Goatpox virus) căn cứ vào trình tự của gen p32 mã hóa cho polypeptide thành phần chủ yếu của virion vi rút đậu.
2. Gen mã hóa cho p32 polypeptide (protein vỏ) của vi rút đậu dê phân lập tại các tỉnh Nam Trung bộcó những đặc tính như sau:
– Trình tự nucleotide giống nhau mức 99,90% đến 100% và trình tự dịch mã amino acid giống nhau mức 99,68% đến 100% giữa các chủng đã phân lập, trình tự gen p32 của 2 trong số 7 chủng vi rút phân lập có 1 nucleotide đột biến dẫn đến sự thay đổi 1 amino acid đã được ghi nhận.
– Đặc tính di truyền học của gene p32 của 7 chủng vi rút phân lập là đồng nhất với 1 kiểu gen p32 của vi rút đậu dê lưu hành ở các tỉnh Nam Trung bộ và một số địa phương thuộc miền Bắc và miền Nam. Các chủng vi rút đậu dê này có độ tương đồng rất cao với các chủng vi rút đậu dê đã công bố trên GenBank (98,25-100% về trình tự nucleotide và 97,20-100% về trình tự amino acid)
– Vi rút đậu dê tại Việt Nam có quan hệ nguồn gốc cùng nguồn gốc với các vi rút đậu dê phân lập ở Trung Quốc.
3. Vi rút đậu dê lưu hành tại các tỉnh Nam Trung bộcó những đặc tính sau:
– Thích ứng tốt trên các loại tế bào sơ cấp tinh hoàn dê và tinh hoàn cừu, tế bào sơ cấp thận dê, thận cừu và tế bào Vero với hiệu giá sau 7 lần tiếp đời dao động trong khoảng 4,4 đến 6,4 log[TCID50] tùy chủng phân lập và loại tế bào.
– Có khả năng thích ứng trên nuôi cấy ở màng CAM phôi trứng gà 11 ngày tuổi;
– Gây bệnh đặc hiệu cho dê với tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết 100%, trong khi đó, chỉ gây sốt nhẹ và không gây bệnh cho cừu thí nghiệm.
– Vi rút đậu dê có độc lực cao, gây bệnh cấp tính ở dê, diễn biến trầm trọng. Khi gây bệnh thực nghiệm bằng đường tiêm nội bì và nhỏ mũi liều 104 TCID50 cho dê 3-4 tháng tuổi với triệu chứng lâm sàng và bệnh tích điển hình giống với dê bị bệnh ngoài thực địa.
– Đã xác định được sự phân bố của vi rút ở một số mô bào gồm ở da, niêm mạc, máu (khi sốt), phổi, lách và thận.
THAY MẶT TẬP THỂ HƯỚNG DẪN | NGHIÊN CỨU SINH | |
TS. Phạm Hùng | Đỗ Văn Khiên |